Kính lúp: Đánh thuế vàng và lập đội “cứu hỏa” để cứu bất động sản?
CafeLand - Trong bài viết trước chúng
tôi đã đánh giá 3 trong 5 giải pháp mà VAFI (Hiệp hội các nhà đầu tư tài
chính Việt Nam) kiến nghị. Trong bài viết này chúng tôi tiếp tục đánh
giá 2 giải pháp còn lại. Kết quả cho thấy 2 giải pháp này cũng thiếu
tính thực tiễn và khả thi.

Ảnh minh họa: CafeLand
Đánh thuế vàng để cứu bất động sản?
Trong các đề xuất gây sốc của VAFI, có một đề xuất mà giới nhà giàu
phải thót tim là đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) vàng trang sức
lên đến 10%. Cơ sở của đề xuất này VAFI khẳng định là sẽ chống được
vàng hóa và đô la hóa. Ngoài ra, VAFI còn khẳng định một tác dụng đáng
mơ ước là với biện pháp này lãi suất cho vay sẽ giảm xuống chỉ còn
8-10%, lãi suất huy động về 5%. Nhờ việc giảm lãi suất này sẽ phá băng
được thị trường bất động sản, giảm nợ xấu và nền kinh tế sẽ phục hồi.
Có lẽ bất kỳ người nào hiểu biết về kinh tế đều cảm thấy “choáng” trước
khuyến nghị này. Còn nếu hiệu quả đạt được như VAFI khẳng định thì quốc
tế nên trao giải Nobel cho Hiệp hội này vì đã có một phát minh tuyệt
vời. Không những vậy, Chính phủ Việt Nam nên thưởng cho các nhà lãnh đạo
của VAFI hàng nghìn tỷ đồng vì đã giải được bài toán với lời giải rất
đơn giản mà hàng năm nay không biết bao nhiêu nhà kinh tế, quan chức
phải đau đầu mà chưa tìm ra lời giải.
Không những vậy, cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng và công ty bất động
sản cũng phải cùng nhau đóng góp để thưởng cho VAFI vì đã có một phát
minh cứu được họ khỏi hố tử thần.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là VAFI không đưa ra bất kỳ một lập luận nào
về mối liên hệ giữa việc đánh thuế VAT vàng và những kết quả mà họ khẳng
định đạt được. Do vậy, rất khó có cơ sở đề những người muốn trao giải
thưởng, tặng tiền cho VAFI làm căn cứ để thực hiện.
Tất nhiên, việc đề xuất đánh thuế vàng không phải được VAFI “phát minh”
lần đầu. Trước đó có không ít quan chức và kể cả chuyên gia từng đề
xuất đánh thuế vàng. Trong đó, đáng chú ý là ông Lê Minh Hưng, Phó thống
đốc Ngân hàng Nhà nước cũng từng đề xuất phải đánh thuế vàng như rượu, ô
tô và mặt hàng xa xỉ phầm khác.
Trên thực tế không có một mối liên hệ nào giữa việc đánh thuế VAT vàng
trang sức và chống vàng hóa, đô la hóa, giải quyết nợ xấu, hạ lãi suất
và phục hồi nền kinh tế như tuyên bố của VAFI. Việc đánh thuế vàng có
thể làm tăng ngân sách nhà nước nhưng thiệt hại cho những người tiêu
dùng, công ty kinh doanh vàng và khuyến khích thị trường chợ đen phát
triển.
Bất động sản cần đội cứu hỏa?
Theo VAFI, thì cứu bất động sản đang cấp bách như cứu hỏa nên cần mọi
bộ ngành, cơ quan đoàn thể, các địa phương tham gia. VAFI nhận định
“Giải pháp thứ năm này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, địa
phương. Khẩn trương giải quyết công việc sẽ là 1 giải pháp vô cùng quan
trọng để vực dậy thị trường bất động sản.
Dù đánh giá khẩn cấp nhưng VAFI không khuyến nghị những công việc khẩn
cấp là công việc gì, cần phải làm gì mà chỉ nhấn mạnh là “khẩn cấp”.
Thực tế, việc giải cứu bất động sản có cần phải khẩn cấp hay không thì
vẫn chưa có một chứng minh thuyết phục nào?
Bất động sản tại Tp.HCM đã đóng băng gần 4 năm nay, còn tại Hà Nội cũng
đã hơn 2 năm. Hệ quả là các doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó
khăn và nợ xấu bất động sản cũng đang ở mức khá cao (13%) trong dư nợ
cho vay đối với ngành này. Tuy nhiên, đây cũng không phải là cơ sở cho
rằng cần phải thành lập “đội cứu hỏa” để cứu bất động sản.
Hiện tại, đất nước đang đối phó với hàng loạt vấn đề khác có tính
nghiêm trọng hơn rất nhiều. Vì vậy, Chính phủ, các chính quyền địa
phương nên tập trung nguồn lực ít ỏi để giải quyết các vấn đề bức xúc
người dân, những điểm yếu của nền kinh tế. Đối với bất động sản thì nên
dành phần lớn cho công cụ thị trường điều chỉnh thay vì can thiệp một
cách thô bạo.
Vừa qua Chính phủ cũng dồn dập tung ra các giải pháp để “cứu” bất động
sản nhưng xét về “liều lượng” thì vẫn còn kém xa so với đề xuất của
VAFI. Dù vậy, không ít chuyên gia quan ngại về hiệu quả những giải pháp
mà Chính phủ thực hiện. Việc kêu gọi “lập đội cứu hỏa” đề cứu bất động
sản của VAFI thiếu cơ sở thực tế và phi kinh tế.
Tóm lại: Chúng tôi đánh giá
cả 5 khuyến nghị của VAFI không có cơ sở thực tế. Nếu làm theo 5 giải
pháp đó sẽ không có tác dụng cứu bất động sản mà còn làm ảnh hưởng lớn
đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét